Stress có liên quan tới hệ khuẩn chí đường ruột

    Đã có bao giờ bạn tự hỏi tại sao khi gặp căng thẳng thì bạn lại bị đau bụng, tiêu chảy, táo bón? Thực chất, stress có mối liên quan chặt chẽ với đường ruột và hệ khuẩn chí tại đây.

    Stress – vấn nạn của cuộc sống hiện đại

    Stress là trạng thái căng thẳng thần kinh trong những tình huống khó khăn, nguy hiểm. Trong xu hướng cuộc sống hiện đại, tình trạng stress ngày càng phổ biến. Theo một thống kê thực hiện năm 2018 tại nước Anh, có tới 85% người trưởng thành ở đây thường xuyên bị stress. Hơn một phần ba người dân Anh bị stress ít nhất cả một ngày trong tuần và 39% cảm thấy stress nặng từ ngày này sang ngày khác. Các nguyên nhân dẫn đến stress phổ biến nhất đó là áp lực về công việc, tiền bạc, vấn đề sức khỏe.

    Stress có thể có mặt tích cực (như giúp con người tập trung sức lực, tăng khả năng sinh tồn), tuy nhiên khi căng thẳng thường xuyên xảy ra mà không kiểm soát được thì có thể gây ra những vấn đề sức khỏe như suy giảm trí nhớ, giảm tập trung, mệt mỏi, mất năng lượng khiến chất lượng học tập, lao động giảm sút; hoặc dẫn tới các rối loạn tâm thần nghiêm trọng hơn.

    (Nếu bạn cần tìm hiểu kỹ hơn về stress vui lòng xem tại bài viết: Stress là gì và biểu hiện của stress)

    Tác động của stress tới đường ruột và hệ khuẩn chí đường ruột

    Người bị stress thường xuyên gặp các vấn đề ở đường tiêu hóa như đau dạ dày, trào ngược, tiêu chảy, táo bón do rối loạn chức năng đại tràng, hội chứng ruột kích thích (IBS)…Đường ruột là một trong những cơ quan nhạy cảm nhất đối với stress bởi giữa não và ruột tồn tại một tương tác hai chiều khăng khít thông qua rất nhiều các tế bào thần kinh và chất dẫn truyền thần kinh. Số lượng tế bào thần kinh tại ruột thậm chí còn nhiều hơn so với toàn bộ cột sống và do vậy mà ruột được ví như một “bộ não thứ 2” của cơ thể.

    (Nếu bạn chưa biết rõ về hệ chí khuẩn đường ruột hãy đọc bài viết: Hệ chí khuẩn đường ruột là gì?)

    Khi bị stress, não bộ sản sinh ra các hormon làm ảnh hưởng tới hoạt động của hệ tiêu hóa và tác động đến hệ khuẩn chí đường ruột. Các nghiên cứu chỉ ra, thành phần của hệ khuẩn chí đường ruột bị thay đổi đáng kể khi tiếp xúc với stress, đặc biệt là số lượng những chủng lợi khuẩn như Lactobacillus, Bacteroides bị sụt giảm đáng kể.

    Tương tác hai chiều giữa não – ruột – hệ khuẩn chí đường ruột

    Hệ khuẩn chí đường ruột ảnh hưởng tới stress

    Tương tác giữa não và ruột là một tương tác hai chiều, chính vì vậy mà hoạt động của ruột cũng ảnh hưởng tới chức năng của hệ thần kinh trung ương, trong đó thành phần trong hệ khuẩn chí là một yếu tố quyết định mức độ nhạy cảm của con người đối với stress. Các nhà khoa học tiến hành thí nghiệm để chứng minh mối liên quan giữa hệ khuẩn chí đường ruột bằng cách loại bỏ hệ khuẩn chí đường ruột của những con chuột và nuôi chúng trong môi trường vô trùng. Kết quả là những con chuột này thể hiện hành vi giống như đang lo lắng. Ở người, khi hệ khuẩn chí đường ruột bị thay đổi do sử dụng kháng sinh cũng ghi nhận hành vi lo lắng tương tự (Desbonnet và cộng sự, 2015).

    Thú vị hơn nữa, khi người ta lấy mẫu vi khuẩn đường ruột của những con chuột bị stress cấy sang những con chuột bình thường thì chúng cũng biểu hiện hành vi lo âu. Ngược lại, khi chuyên vi khuẩn đường ruột của những con chuột bình thường sang những con chuột đang bị stress thì ghi nhận mức độ lo lắng của chúng giảm xuống (Bercik và cộng sự, 2011). Điều này chứng minh vai trò trực tiếp của hệ khuẩn chí đường ruột đối với tâm trạng và hành vi.

    (Đọc bài viết sau để hiểu thêm thông tin: “Tại sao vi khuẩn đường ruột lại có thể thay đổi tâm trạng của chúng ta?”)

    Sử dụng probiotic để giảm stress

    Những khám phá thú vị về vai trò quan trọng của hệ khuẩn chí đường ruột đối với chức năng nhận thức và hành vi của não bộ đã làm nảy sinh một biện pháp mới tiềm năng có thể giúp ích trong điều trị các rối loạn tâm thần kinh như stress, lo âu, trầm cảm…- đó là sử dụng probiotics (hay còn gọi là men vi sinh).

    Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các chủng probiotics như Bifidobacteria, Lactobacillus hoặc Bacteroides có thể có tác động tích cực đến não bộ và hành vi, bao gồm tăng cường khả năng nhận thức và ảnh hưởng đến cảm xúc ( Liang và cộng sự, 2015 , Gareau 2014 , Bravo và cộng sự, 2011 , Savignac và cộng sự, 2015 , ….)

    Stress có thể làm giảm tế bào thần kinh chưa trưởng thành ở vùng hồi hải mã (cấu trúc trong não bộ có liên quan tới trí nhớ và khả năng định hướng trong không gian, do vậy gây suy giảm trí nhớ. Khi bổ sung chủng lợi khuẩn Bifidobacteria đã ghi nhận nâng cao hiệu suất ghi nhớ phụ thuộc vùng hồi hải mã (Allen và cộng sự, 2016).

    Tuy nhiên, các bằng chứng cũng cho thấy, không phải bất cứ chủng probiotics nào cũng có tác dụng cải thiện chức năng não bộ mà chỉ một số chủng lợi khuẩn nhất định có thể phát tín hiệu tới não bộ thông qua cách tác động lên dẫn truyền thông tin trục não – ruột mới có đặc tính này. Chúng được gọi với cái tên đặc biệt là “Psychobiotic” bởi GS. Dinan và các cộng sự vào năm 2013.

     

    Ý kiến của bạn

    X

    Cảm ơn bạn. Chuyên gia của chúng tôi sẽ trả lời câu hỏi của bạn trong thời gian sớm nhất.

    Bạn vui lòng kiểm tra hòm thư để nhận câu trả lời